Sự thay đổi nhanh chóng

Nghệ thuật đèn neon - uốn cong các ống thủy tinh chứa đầy neon và những loại khí trơ khác - du nhập đến Hồng Kông từ Thượng Hải.

Vào những năm 1970, các đường phố Wan Chai, Tsim Sha Tsui, Central, Yau Ma Tei nhộn nhịp hoạt động buôn bán trong vẻ đẹp rực rỡ của ánh đèn neon. Trong những năm 1980, bảng hiệu đèn neon lớn nhất thế giới có lẽ thuộc về biển quảng cáo thuốc lá Marlboro ở Hồng Kông. Một số đèn neon được viết bằng tiếng Anh, một số bằng tiếng Ả Rập, một số bằng tiếng Nhật và phổ biến nhất vẫn là các tác phẩm bằng chữ Hán phồn thể - vốn là nét đặc trưng của Hồng Kông so với phần còn lại của Trung Quốc đại lục sử dụng chữ giản thể. Những biển hiệu trực quan tuyệt đẹp này được người dân địa phương cũng như người nước ngoài trân trọng, thể hiện trong các bộ phim như Fallen Angels (tựa tiếng Việt: Đọa lạc thiên sứ) của đạo diễn Vương Gia Vệ, Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott…

Nghệ nhân làm đèn neon Wu Chi-kai tại xưởng của mình ở khu Kwai Chung, Hồng Kông - Nguồn ảnh: Korea Times/Kwak Yeon-soo

Đêm ở Hồng Kông ngày nay khác xưa rất nhiều, đặc biệt là sau bóng tối của đại dịch COVID-19. Nhiều khách du lịch và người nước ngoài thường trú đã ra đi, mang theo ký ức về những bữa tiệc thâu đêm. Nhiều người dân Hồng Kông cũng rời đi. Theo dữ liệu khảo sát của chính phủ, hơn 110.000 thường trú nhân đã rời thành phố vào năm 2022.

Tác phẩm đầu tay của nhà làm phim Hồng Kông Anastasia Tsang, A Light Never Goes Out (tạm dịch: Ánh sáng không bao giờ tắt), kể về một gia đình đương đầu với cái chết của một người thợ làm bảng hiệu đèn neon. Bộ phim được Hồng Kông gửi tham dự giải Oscar năm 2023, là bản bi ca cho một nghề thủ công đang biến mất. Kể từ năm 2021, khi cô Tsang quay bộ phim, nhiều bảng hiệu đèn neon cô dùng làm phông nền đã biến mất. Cô Tsang nói: “Người dân Hồng Kông có cảm giác mất mát rất lớn. Sự thay đổi diễn ra quá mạnh mẽ và nhanh chóng. Không có cách nào để cứu vãn”.

Cardin Chan điều hành Tetra Neon Exchange - một nhóm chuyên bảo tồn các bảng hiệu đèn neon. Cô ước tính hàng chục ngàn bảng hiệu, chủ yếu là đèn neon, đã bị dỡ bỏ trong thập niên qua, kể từ khi Bộ Xây dựng Hồng Kông bắt đầu xử lý nghiêm các công trình trái phép. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tự nguyện thay thế đèn neon bằng màn hình LED rẻ hơn. Ngày trước, các hiệu cầm đồ được quảng cáo với hình ảnh những con dơi đang nắm chặt đồng xu vì từ dành cho loài động vật này nghe giống như “vận may”. Các biểu tượng hàm răng, ly, lá trà… từng rất quan trọng đối với những khách hàng không biết chữ. Cô Chan cho biết: “Neon là một loại biểu tượng của thành phố, là hiện thân của những câu chuyện ở Hồng Kông. Nhưng không chỉ có đèn neon đang trải qua quá trình biến đổi mà dường như cả thành phố”.

Những bậc thầy nghệ nhân cuối cùng

Để biến những ống thủy tinh thành các bức thư pháp phức tạp - chẳng hạn chữ “long (rồng)” với 16 nét bút, nghệ nhân neon cần có kỹ năng hội họa. Trong kho xưởng của mình, Wu Chi-kai - một trong 8 thợ thủ công đèn neon còn lại của Hồng Kông - đã uốn ống thủy tinh thành những biển hiệu có màu sắc rực rỡ trong nhiều thập niên. Vào thời kỳ hoàng kim cuối thế kỷ XX của đèn neon, ông và khoảng 30 thợ thủ công bậc thầy khác từng làm biển hiệu cho các cửa hàng cầm đồ, tiệm mạt chược, cửa hàng đồ cưới và nhà hàng. Giờ đây, ông Wu phục vụ cho thế hệ khách hàng mới cũng như những người hoài niệm về thời đại trước đó. Ông dùng chuyên môn của mình để đào tạo các diễn viên trong tác phẩm A Light Never Goes Out.

Doodle Tree - tác phẩm sắp đặt bằng đèn neon do nghệ nhân Wu Chi-kai thực hiện - Nguồn ảnh: Korea Times/Kwak Yeon-soo

Người thợ thủ công 56 tuổi nhớ lại: “Trong những năm 1980 và 1990, tôi chủ yếu tập trung vào việc làm bảng hiệu đèn neon ngoài trời. Dọc theo phố Tsim Sha Tsui, hầu hết các bảng hiệu đều được làm bằng đèn neon. Hiện tại, phần nhiều trong số chúng đã bị dỡ bỏ nhưng tòa nhà Ngân hàng Trung Hoa vẫn còn giữ bảng hiệu đèn neon do tôi làm".

Nhu cầu về đèn neon được duy trì bởi một số doanh nghiệp truyền thống cam kết sử dụng bảng hiệu kiểu cũ. Dù vậy, ông Wu tiếp tục thích nghi và mở rộng cơ sở khách hàng của mình. Từ việc làm bảng hiệu đèn neon ngoài trời, giờ đây, ông tập trung vào trang trí nội thất, nhà cửa và hợp tác với các nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ. Trong xưởng của mình, ông có một tấm biển hiệu làm cho Tổng cục Du lịch Hồng Kông. Ông Wu nói: "Neon có lịch sử khoảng 100 năm. Trước đây, chúng tôi sản xuất bảng hiệu đèn neon để mọi người biết các cửa hàng có bán sản phẩm và dịch vụ nào. Giờ đây, nhiều người coi chúng là tác phẩm nghệ thuật".

Sự tiếp nối và giữ gìn

Cùng với sự biến mất của các bậc thầy về đèn neon, nghệ thuật làm bảng hiệu đèn neon phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn khi rất ít người trẻ tuổi tìm cách duy trì truyền thống. Bản thân ông Wu không có người học việc toàn thời gian nào để truyền nghề. Quy trình làm bảng hiệu đèn neon truyền thống rất phức tạp, đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Nó bao gồm việc đốt và uốn các ống thủy tinh thành nhiều hình dạng, sau đó đổ đầy chúng bằng các loại khí như neon hoặc argon để tạo ra các màu sắc khác nhau.

Bảng hiệu đèn neon cho tiệm cầm đồ Tung Fung năm 2023 - Nguồn ảnh: The New York Times/Anthony Kwan

Vào thời điểm Jive Lau quan tâm đến nghề thủ công, trên thế giới chỉ còn một số ít bậc thầy về đèn neon còn làm việc. Anh học nghệ thuật này ở Đài Loan (Trung Quốc). Anh nói: “Tôi biết nghệ thuật đèn neon đang lụi tàn nhưng đây là biểu tượng của Hồng Kông nên tôi muốn giữ cho nó tồn tại bằng cách nào đó”.

Anh Lau tạo hình những ống thủy tinh nung chảy trong một trung tâm nghệ thuật do chính phủ tài trợ. Khu vực được xây dựng trên phần đất khai hoang từ cảng Victoria, bao gồm một bảo tàng nghệ thuật thị giác tên M+. Bảo tàng đã thu thập các bản vẽ thiết kế bằng đèn neon cũng như một số biển hiệu nổi tiếng. Tina Pang - người phụ trách bảo tàng - giải thích: "Chúng tôi thực sự quan tâm đến các biển hiệu mang tính địa danh. Nhưng, việc một bảo tàng thu thập chúng là không lý tưởng, vì toàn bộ bối cảnh cuộc sống xung quanh mới là điều khiến biển hiệu trở nên sống động".

Tháng 9/2023, chính quyền thành phố công bố chiến dịch Night Vibes Hong Kong “nhằm thu hút người dân ra ngoài và hồi sinh cuộc sống về đêm của thành phố”.

Logo của chiến dịch có màu neon.

Đối với ông Peter Tse, tấm biển đèn neon cao gần 20m tượng trưng cho sự trường tồn của tiệm bánh Tai Tung, là một kỷ niệm xưa đã phai nhạt. Vào thời hoàng kim, tiệm bánh Tai Tung của gia đình ông Tse nổi tiếng với những chiếc bánh Trung thu thập cẩm nhân hàu tẩm mật ong và 10 lòng đỏ trứng. Tấm biển hiệu lớn đã bị tháo dỡ vào năm 2022 vì lý do “quá lớn và quá cũ, không tuân thủ quy định”.

Khu vực Cửu Long, Hồng Kông năm 1995 - Nguồn ảnh: Getty Images/Richard Baker

Người đàn ông 90 tuổi nhớ lại: “Nó đã tồn tại hơn 50 năm, vượt qua những cơn bão và nhiều thứ khác”. Duy trì thói quen đến tiệm bánh hằng ngày, ông nhớ tấm biển đèn neon của mình và có kế hoạch lắp đặt một cái nhỏ hơn, ngay cả khi công trình sẽ tốn tới 80.000 USD để đáp ứng các yêu cầu của thành phố. Con trai ông từ Úc đã trở về để trở thành người kế thừa cửa tiệm đời thứ tư. Ông Tse nói: Tôi muốn Hồng Kông sôi động. Tôi muốn thành phố thực sự đem lại cảm giác “Hồng Kông”.

Ngọc Hạ